Tự nhủ "Đời này có nợ với bánh bèo", Nhà thiết kế Chung Thanh Phong dấn thân khởi nghiệp lần 2 làm mỹ phẩm cao cấp cho người Việt
Sau 5 năm thai nghén, IAM Cosmetics đã ra mắt đầu năm 2019 với 16 dòng sản phẩm khác nhau. Và mặc dù phản ứng của thị trường với các sản phẩm là khá tốt, song Nhà thiết kế Chung Thanh Phong tiết lộ là theo kế hoạch, phải 5 năm nữa thì doanh nghiệp mới hòa vốn và có lời.
Có thể nói, Việt Nam là thị trường có ngành mỹ phẩm – chăm sóc sắc đẹp phân mảnh nhất nhì khu vực. Ở phân khúc bình dân, là cuộc chiến của những kem trộn Việt, đồ handmade địa phương; tại phân khúc trung cấp là ‘song đấu’ giữa Hàn Quốc và các nước trong khu vực châu Á như Thái Lan, Đài Loan cùng Úc; còn phân khúc cao cấp là sân chơi riêng của hàng Nhật Bản, châu Âu và Mỹ.
Thương hiệu Việt về mỹ phẩm – chăm sóc sắc đẹp nổi nhất hiện nay có lẽ là Thorakao tại phân khúc bình dân. Sở dĩ họ có thể sống sót và phát triển tới thời điểm bây giờ là nhờ lịch sử lâu đời cùng cách quảng bá chủ yếu qua hình thức truyền miệng.
Là một người có hơn 10 năm lăn lộn trong lĩnh vực thời trang, gắn với giới giải trí, hay nói như Nhà thiết kế (NTK) Chung Thanh Phong là ‘đời này có nợ với bánh bèo’, nên anh hiểu rất rõ nỗi bi ai của giới làm nghề mỹ phẩm – chăm sóc sức khỏe Việt Nam, có tâm nhưng không đủ lực.
Thế nên, sau khi nghe lời đề nghị từ bà Nguyễn Thị Kim Yến – CEO của Công ty TNHH Thương mại T.M.T, người có 15 năm kinh nghiệm kinh doanh trong lĩnh vực này, về việc hợp tác xây dựng một thương hiệu mỹ phẩm – chăm sóc sắc đẹp cao cấp cho người Việt, Chung Thanh Phong đã không ngần ngại gật đầu.
Chia sẻ với chúng tôi, Chung Thanh Phong bày tỏ, dù biết đây là một cuộc phiêu lưu mạo hiểm, nhưng anh vẫn chấp nhận dấn thân, đi ra khỏi vùng an toàn của bản thân. Đầu tiên là bởi anh muốn mang lại một vẻ đẹp toàn diện cho phụ nữ Việt Nam, ngoài áo quần đẹp thì thêm khuôn mặt và cơ thể đẹp; thứ hai là nhu cầu về chăm sóc sắc đẹp của phụ nữ Việt ở tầng lớp trung và cao cấp của Việt Nam đang ngày càng cao, song chưa có bất cứ thương hiệu Việt nào đáp ứng được điều đó.
* Trước giờ, anh chỉ chuyên về thời trang và đây là lần đầu tiên anh lấn sân sang ngành mỹ phẩm – chăm sóc sắc đẹp, nhưng có vẻ anh khá liều lĩnh khi vừa mới ra mắt đã giới thiệu tới hàng loạt dòng sản phẩm trải rộng cả 4 mảng là trang điểm - make up, chăm sóc mặt – facial care, chăm sóc cơ thể - skin body và chăm sóc tóc; lại còn ở phân khúc cao cấp…
NTK Chung Thanh Phong: Không phải chị, mà ai đầu tiên biết tôi làm IAM Cosmetics đều nói như thế. Nhưng với mục tiêu làm cái gì đó thật tử tế và bài bản cho ngành mỹ phẩm – chăm sóc sắc đẹp Việt Nam, tôi cùng chị Yến đã nhất là trí là sẽ chuẩn bị thật đầy đủ và chu đáo, khi ra mắt là sẽ làm lớn chứ không làm nhỏ giọt theo cách thăm dò thị trường hay phát triển từ từ.
Theo đó, IAM Cosmetics là một trong những thương hiệu mỹ phẩm – chăm sóc sắc đẹp Việt hiếm hoi có đầy đủ 4 mảng tiêu chuẩn mà các doanh nghiệp trong ngành này ở nước ngoài hay có: make up, facial care, body care và hair care. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, chúng tôi mới ra mắt sản phẩm ở 3 mảng đầu tiên, chưa có sản phẩm về hair care, nhưng tương lai sẽ có.
Cũng với mục tiêu đầu tiên, sản phẩm phải thật sự tốt và phù hợp với phụ nữ Việt Nam thì không thể là phân khúc bình dân mà phải là cao cấp. Thêm nữa, với mức giá mà các sản phẩm của chúng tôi đang có, từ 500 ngàn đến 4 triệu đồng, nếu so với mức giá của các sản phẩm cao cấp Âu – Mỹ thì vẫn còn tương đối rẻ.
* Ai cũng biết, ngành mỹ phẩm – chăm sóc sắc đẹp của Việt Nam khá yếu và thiếu, vậy anh sẽ thuyết phục các khách hàng của mình như thế nào, để họ mua sản phẩm của anh thay vì sản phẩm của những thương hiệu cao cấp nổi tiếng thế giới mà họ đã quen thuộc?
NTK Chung Thanh Phong: Đầu tiên là bằng uy tín cá nhân của tôi, tôi không thể nào lại đi giới thiệu cho ai đó một sản phẩm vừa không tốt lại mắc tiền. Trước đây, sản phẩm thời trang của Chung Thanh Phong tử tế như thế nào, thì mỹ phẩm và đồ chăm sóc sắc đẹp của Chung Thanh Phong cũng tử tế giống vậy.
Thứ hai, công nghệ và nguyên liệu của IAM Cosmetics đều từ Nhật Bản. Chúng tôi đã mua lại công thức – công nghệ làm mỹ phẩm từ Nhật Bản và tất cả các nguyên liệu dùng để sản xuất sản phẩm cũng có xuất xứ từ Nhật Bản. Bên cạnh đó, sản phẩm được gia công tại Thái Lan sau đó nhập vào Việt Nam.
Ngoài chất lượng ‘chuẩn Nhật’ nhưng hoàn toàn tương thích với người Việt, sản phẩm sẽ thường xuyên cập nhật những xu hướng làm đẹp của thế giới.
* Vậy IAM Cosmetics có còn là thương hiệu Việt? Anh nói là anh đã chuẩn bị mất 5 năm, vậy trong 5 năm đó, anh cùng các cộng sự của mình đã làm gì khi mà công nghệ - nguyên liệu – sản xuất đều mua/thuê của người khác?
NTK Chung Thanh Phong: Mặc dù mua công thức - công nghệ của người Nhật, nhưng tôi – với tư cách là Giám đốc sáng tạo, phải gia giảm và địa phương hóa nó, để phù hợp với làn da của người Việt Nam cũng như mong muốn của bản thân tôi.
Ví dụ: tôi là người dùng mỹ phẩm khá nhiều, và tôi thường không hài lòng với nhiều điểm mà các loại kem chống nắng tôi đã trải nghiệm. Cái thì khiến tôi cảm thấy ‘quá dày’, như thể mình đang đeo mặt nạ, loại thì không giúp tôi che được một chút khuyết điểm nào hết, thương hiệu khác khiến da tôi bị kích ứng nên cảm thấy dính dấp khó chịu… Thế nên, tôi muốn kem chống nắng của IAM Cosmetics phải như không trọng lượng, che được những khuyết điểm lớn trên da và đồng thời có tính chất dưỡng ẩm nhưng không bị dính.
Nói thì trông đơn giản là thế, nhưng tôi cùng các cộng sự bên Nhật Bản đã mất tới 3 năm để nghiên cứu trong phòng lab – thử nghiệm rồi mới ra được công thức – kỹ thuật chuẩn, phù hợp với những yêu cầu của tôi cho từng loại sản phẩm.
Việc tôi hợp tác với người Nhật thay vì châu Âu và Mỹ cũng vì màu sắc – cấu trúc da của người Nhật - khí hậu Nhật có nhiều nét tương đồng với cấu trúc da của người Việt - khí hậu Việt Nam, hơn là châu Âu và Mỹ.
Sau đó, chúng tôi mất thêm 2 năm nữa để thiết kế mẫu mã - bao bì sản phẩm, tìm nhà cung cấp, tìm các kênh phân phối hợp lý, thành lập công ty tại Việt Nam, lên kế hoạch làm thương hiệu… rồi sau đó mới chính thức ra mắt.
Dù có công nghệ - nguyên liệu Nhật, được sản xuất tại Thái Lan nhưng lại do tôi cùng các cộng sự đồng phát triển sản phẩm cũng như làm thương hiệu, sở hữu của doanh nghiệp do người Việt làm chủ, thế nên IAM Cosmetics chắc chắn là thương hiệu của người Việt. Như Apple là thương hiệu Mỹ, nhưng nhiều công nghệ của họ được mua từ các doanh nghiệp khắp thế giới và linh kiện được gia công ở các công ty Trung Quốc.
* Ngoài vị trí Giám đốc sáng tạo, anh có góp vốn vào dự án này hay không? Anh có thể tiết lộ số vốn đầu tư cho dự án này và khi nào thì công ty mới có lời?
NTK Chung Thanh Phong: Tôi có góp vốn vào IAM Cosmetics vì đây là cuộc chơi lớn của tôi. Tôi không thể tiết lộ cho chị biết số vốn đầu tư cụ thể vào IAM Cosmetics, nhưng tôi có thể khẳng định là rất nhiều. Theo kế hoạch, thì khoảng sau 5 năm nữa, IAM Cosmetics mới hòa vốn và mang những đồng lời đầu tiên về cho chúng tôi. Xây dựng một thương hiệu mới là câu chuyện không dễ dàng, nhất là trong ngành mỹ phẩm – chăm sóc sắc đẹp còn non trẻ như Việt Nam.
* Anh không phải là người đầu tiên trong showbiz ra mắt thương hiệu trong lĩnh vực làm đẹp hay kinh doanh. Nhìn vào lịch sử có thể thấy, người showbiz ra mắt nhãn hàng mới thường chỉ dựa vào mối quan hệ trong showbiz để làm thương hiệu sau đó mong nó lan tỏa ra bên ngoài. Tuy nhiên, hầu hết kết quả không như mong muốn, khiến sản phẩm của họ không chìm cũng chẳng nổi. Mục tiêu của IAM Cosmetics là gì và anh đã có kế hoạch gì để đảm bảo đi theo con đường đó?
NTK Chung Thanh Phong: Mục tiêu của IAM Cosmetics tất nhiên không chỉ gói gọn trong việc chinh phục thị trường làm đẹp cao cấp Việt Nam mà còn cả khu vực Đông Nam Á và sau này là thế giới.
Thế nên, chắc chắn IAM Cosmetics sẽ phải làm thương hiệu theo một cách khác với biên độ rộng hơn, chứ không chỉ gói gọn trong giới showbiz hay chỉ thông qua những diễn viên – người mẫu có quan hệ tốt với tôi.
Cách sale và marketing cũng đi theo xu hướng mới nhất: omni-channel – bán hàng đa kênh, kết hợp cả online và offline. Tất cả các sản phẩm của IAM Cosmetics đều được bán online trên website của thương hiệu, bên cạnh đó, khách hàng có thể đến trải nghiệm sản phẩm tại cửa hàng của chúng tôi. Chúng tôi vẫn đang trong quá trình xây dựng các kênh phân phối offline, như đưa hàng vào các đại lý, siêu thị, spa và sau này có thể cả bệnh viện, khi chúng tôi phát triển các dòng sản phẩm chăm sóc đặt trị cho da.
Hiện tại, doanh thu đã tương đối tốt, đạt khoảng 80% kế hoạch mà chúng tôi đề ra; khoảng 30% doanh thu đến từ offline, còn 70% đến từ online.
* Vậy theo anh, khó khăn nhất ở thời điểm hiện tại là gì?
NTK Chung Thanh Phong: Đó chính là được khách hàng cho chúng tôi cơ hội mang sản phẩm đến cho họ trải nghiệm. Như chị đã nói từ đầu bài, khách hàng Việt vẫn còn định kiến là mỹ phẩm hay đồ chăm sóc sắc đẹp của Việt Nam không tốt bằng nước ngoài, nhất là còn ở phân khúc trung và cao cấp.
Tôi tin rằng, chỉ cần khách hàng cho chúng tôi cơ hội, các sản phẩm của IAM Cosmetics có thể chinh phục được khách hàng, thuyết phục được họ đồng hành cùng với chúng tôi. Tôi rất tin tưởng vào điều đó!
* Cảm ơn anh!
Theo Trí Thức Trẻ